Friday 2 July 2010

Xe hơi chạy bằng vi khuẩn

Xe hơi chạy bằng khí hydro được coi là phương tiện đi lại của tương lai. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chỉ có người siêu giàu đủ khả năng mua loại xe này. Tình hình sẽ khác hẳn nếu con người biết tận dụng vi khuẩn.

Khác với xe truyền thống, chất thải của những chiếc xe chạy bằng khí hydro là hơi nước.

Hydro, nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ, có vai trò quan trọng đối với các quá trình sinh học. Nó tồn tại trong nước, hợp chất hữu cơ và các cơ thể sống. Để tách hydro ra khỏi hợp chất phân tử, người ta phải sử dụng khá nhiều năng lượng, đồng nghĩa với việc phải chi nhiều tiền.

Tuy nhiên, một số vi sinh vật, chẳng hạn như vi khuẩn trong ruột của gia súc, lấy năng lượng từ thực vật nhờ một phản ứng hóa học giải phóng hydro. Thông thường hydro được tạo ra từ phản ứng này sẽ bị hấp thụ ngay lập tức bởi các vi khuẩn tạo khí metan (CH4).

Một chiếc xe chạy bằng khí hydro. Ảnh:
Một chiếc xe chạy bằng khí hydro. Ảnh: gasdetection.com.

Các chuyên gia của Đại học North Carolina rất quan tâm tới những vi sinh vật có khả năng tồn tại ở nhiệt độ cao, gần ngưỡng sôi của nước. Họ nghiên cứu Caldicellulosiruptor saccharolyticus, loại vi khuẩn ưa nhiệt được tìm thấy lần đầu tiên tại một suối nước nóng ở New Zealand. Loài vi khuẩn này hấp thụ nhiều loại hợp chất từ thực vật và thải ra hydro.

Một trong những thách thức trong việc sản xuất hydro từ vi khuẩn là ngăn chặn vi khuẩn tạo khí metan "ăn" hydro. Lợi thế của vi khuẩn ưa nhiệt là chúng sống ở mức nhiệt độ mà vi khuẩn tạo khí metan không thể chịu nổi. Chẳng hạn, C. saccharolyticus thích sống ở môi trường có nhiệt độ khoảng 70 độ C. Bên cạnh đó, vi khuẩn ưa nhiệt có quá trình lên men đơn giản hơn vi khuẩn ưa nhiệt độ thường, do đó số lượng sản phẩm phụ của chúng cũng ít hơn.

Một lợi thế nữa của C. saccharolyticus là nó có thể hấp thụ nhiều loại nhiên liệu từ cây, gồm cả cellulose, và nhiều loại đường cùng lúc nhờ những enzyme có khả năng phân hủy carbonhydrate. Nhóm nghiên cứu của Đại học North Carolina đã phân lập được những enzyme này. Họ khẳng định chúng sẽ làm tăng lượng hydro trên một đơn vị khối lượng nhiên liệu đầu vào.

Việt Linh (theo Livescience)


Bài liên quan

Con mèo có 'cánh'

Con mèo đực ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc có hai cánh ở trên lưng. Chúng ban đầu mọc ra như hai cái bướu, sau đó dài ra đến 10 cm, trông giống như đôi cánh.
Chú mèo mọc ra đôi cánh. Ảnh: CNI.

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do một đột biến gene, khiến con mèo mọc ra khối u bất thường. Và như thế, đôi "cánh" này có thể còn dài thêm nữa.

T. An (theo newscom)


Bài liên quan

Tảo - dầu mỏ của tương lai

Laurencia, một giống tảo biển màu đỏ. Ảnh: wikipedia.com.
Laurencia, một giống tảo biển màu đỏ. Ảnh: wikipedia.com.

Việc dùng tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế dầu mỏ giống như một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa tạo ra năng lượng vừa làm sạch môi trường.

Mỗi cá thể tảo là một nhà máy sinh học nhỏ xíu sử dụng quá trình quang hợp để chuyển hóa CO2 và ánh nắng thành năng lượng. Hoạt động chuyển đổi của chúng hiệu quả đến nỗi trọng lượng của chúng có thể tăng gấp nhiều lần trong một ngày. Ngoài ra, trong quá trình quang hợp, tảo còn sản xuất ra dầu. Trên cùng một đơn vị diện tích, lượng dầu mà tảo tạo ra nhiều gấp 30 lần đậu nành. Các động cơ diesel có thể đốt cháy trực tiếp dầu tảo. Các nhà khoa học cũng có tinh chế thứ dầu này thành diesel sinh học.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Virginia (Mỹ) đang xây dựng kế hoạch tăng khả năng sản xuất dầu của tảo bằng cách cho chúng “ăn” thêm CO2 (chất khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu) và thả chúng vào các môi trường giàu chất hữu cơ (như nước thải). Điều này vừa tạo ra nhiên liệu sinh học, vừa làm sạch môi trường.

Lisa Colosi, một giáo sư về cơ khí dân dụng và môi trường tại Đại học Virginia, cho biết, lượng dầu mà tảo sản xuất ra chỉ chiếm khoảng 1% trọng lượng của chúng. Bà khẳng định sản lượng sẽ tăng lên tới 40% nếu tảo được bổ sung thêm CO2 và chất hữu cơ.

Mark White, giáo sư tài chính tại Đại học Virginia, cho rằng nếu việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo trở nên phổ biến, chi phí xử lý và chôn lấp CO2 sẽ giảm. Thậm chí chất thải rắn có thể trở thành một mặt hàng để mua bán. Ngoài ra, do tảo có khả năng tách nitơ ra khỏi không khí và nước, người ta có thể tạo ra nitơ nguyên chất với chi phí cực rẻ.

Việt Linh (theo Physorg)


Bài liên quan

Đèn 'trường thọ' tiết kiệm điện

Tuổi thọ lên tới 100 nghìn giờ, có thể sử dụng với nguồn điện công suất nhỏ, hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, tiết kiệm điện năng là những ưu điểm của đèn LED do tiến sĩ Nguyễn Văn Khải chế tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hoá - đã chế tạo thành công một số loại đèn LED cung cấp ánh sáng trong gia đình, đường phố và trang trại.

Đèn LED (Light Emitting Diode), được chế tạo từ chất bán dẫn, sử dụng các điốt có khả năng phát ra ánh sáng. Chúng được dùng làm bộ phận hiển thị trong các thiết bị điện, điện tử, đèn quảng cáo, trang trí, đèn giao thông... Khác với đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn LED có thể hoạt động nhờ năng lượng mặt trời.

Tiến sĩ Khải đang tiến hành các bước chuẩn bị cho một dự án chiếu sáng nông thôn bằng đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời. Khi được sạc đầy, hệ thống pin mặt trời của đèn có thể cung cấp điện trong khoảng 15- 20 tiếng. Nếu lắp đặt hệ thống đèn LED ngoài đường phố, đường liên thôn, xã, người ta sẽ không phải đào rãnh để chôn dây cáp. Khi điện lưới bị cắt các bóng đèn ngoài phố vẫn sáng bình thường.

Một bộ pin và bóng LED mà tiến sĩ Khải chế tạo để sử dụng trong nhà. Ảnh: Việt Linh

Ông Khải khẳng định đèn LED không phải là loại đèn có hiệu suất phát quang lớn nhất. Trên phương diện này, ngôi vô địch thuộc về đèn huỳnh quang T5 và T8 (có hiệu suất phát quang tới 99 lumen/W) tiếp theo là đèn LED (80 Lumen/W), đèn compact (40-60 Lumen/W) và đèn sợi đốt. Tuy nhiên, đèn LED có nhiều lợi thế mà các loại đèn khác không thể có.

Chẳng hạn đèn LED đạt tuổi thọ 50.000 - 100.000 giờ (so với khoảng 1.000 giờ của bóng thường và 8.000 giờ của bóng compact) và không cháy khi điện nguồn dao động hàng triệu lần/giây. Người ta có thể sử dụng đèn LED công suất thấp hơn nhiều so với các loại đèn khác mà vẫn có nguồn sáng tương đương. Một bóng LED có công suất 5 W cho ánh sáng tương đương một bóng thường công suất 20 W.

Ngoài ra, mức tiêu thụ điện của đèn LED chỉ tương đương gần 1/5 (điện xoay chiều) so với đèn thường và lượng nhiệt mà chúng tỏa ra hầu không đáng kể. Chúng cũng an toàn hơn khi sử dụng do có điện thế thấp. Nếu như bóng đèn thường chỉ phát sáng ở hiệu điện thế 110-220 V, thì bóng LED trắng có thể hoạt động ở mức 3-24 V.

Nếu thay thế 10 triệu bóng đèn thường bằng đèn LED chúng ta có thể tiết kiệm được 2.000 MWh mỗi năm.

Tiến sĩ Khải sử dụng ba bóng LED như thế này để thắp sáng phòng khách. Một bóng LED 3 W cung cấp nguồn sáng tương đương bóng thường 20 W. Ảnh: Việt Linh.

Do tiêu thụ ít điện năng nên người ta có thể sử dụng đèn LED ở các vùng sâu, vùng xa mà không cần nhà máy phát điện công suất cao. Trong nhà bà con chỉ cần dùng bóng có công suất 0,5-28 W (đủ sáng để đọc sách), còn ở đường liên thôn, liên xã người ta có thể dùng bóng 56 W. Tiến sĩ Khải cho biết, tại xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội, người ta dùng bóng LED 33 W để thắp sáng cho trụ sở ủy ban nhân dân và nhà thờ. Để chiếu sáng cho trang trại rau, bà con nông dân ở tỉnh Bình Thuận dùng bóng LED có công suất 3-5 W và đèn compact 20 W để thay thế đèn thường 60-75 W.

"Trong lĩnh vực trang trí, đèn LED cũng sẽ dần thay thế các loại bóng truyền thống"

Đó là vì chúng có thể tạo ra hàng triệu màu sắc và dễ tạo hình nguồn sáng (do đèn kích thước nhỏ). Nếu dùng điốt phát quang để chế tạo đèn pha ô tô, người tiêu dùng có thể tiết kiệm tới 25% lượng xăng dầu so với đèn pha truyền thống . Ngoài ra, đèn pha LED phát ra thứ ánh sáng mạnh hơn, trong hơn và sang trọng hơn. Hiện nay nhiều công ty đã chế tạo nhiều màn hình khổng lồ, cây trang trí bằng đèn LED đặt tại những nơi công cộng. Nhà cửa, nội thất được trang trí bằng đèn LED trở nên đẹp, tráng lệ hơn rất nhiều so với các loại đèn khác.

Đèn LED có lợi thế vượt trội so với đèn huỳnh quang và đèn sợi đốt trong việc chiếu sáng cho vườn ươm. Đó là bởi ánh sáng của nó rất giống ánh sáng tự nhiên. Người ta có thể thay đổi bước sóng ánh sáng của đèn cho phù hợp với khả năng hấp thu ánh sáng của từng loại cây. Nếu chiếu sáng bằng bóng thường, cây bình thường 6-8 tháng mới đem ra trồng được và có ngọn cong, nhưng với đèn LED chỉ cần 4 tháng có thể đem trồng. Phần lớn cây có thân khỏe, lá to, xanh đậm, dáng thẳng, tỷ lệ sống sót đạt 90% trở lên.

Những cây trang trí được làm bằng đèn LED trong một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Những cây trang trí được làm bằng đèn LED trong một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh do tiến sĩ Khải cung cấp.

Trong những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, nông dân phải dùng bóng thường 250 W để cung cấp ánh sáng cho lợn mới đẻ. Những bóng này vừa “ngốn” nhiều điện, vừa tỏa nhiệt khiến chuồng nóng hơn. Vào mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 30 độ C, chủ trại phải dùng quạt máy, điều hòa làm mát chuồng. Tiến sĩ Khải khẳng định rằng bà con nông dân có thể thay thế bằng bóng LED công suất 3 W, giảm thiểu được tiền điện dành cho việc thắp sáng và làm lạnh.

Theo nhận định của tiến sĩ Khải, trong điều kiện hiện nay Việt Nam chưa thể sản xuất được bóng LED trên diện rộng. Tuy nhiên, mọi người có thể tự lắp ráp các bóng LED và các hệ điều khiển bóng. Điều quan trọng là phải tìm được những linh kiện có chất lượng tốt. Những bóng LED mua ở chợ trời thường có cường độ ánh sáng yếu và nhanh hỏng. Những người quan tâm tới bóng LED có thể liên hệ với tiến sĩ Khải để được tư vấn.

Liên hệ: TS Nguyễn Văn Khải, điện thoại 0904 183 670. Nhà 22/C3, tập thể Cục thông tin liên lạc - Định Công, Hà Nội, hoặc 42 Thợ Nhuộm.

Việt Linh


Bài liên quan

Một năm ánh sáng bằng... 225 triệu năm đi bộ

Nếu chuyến cuốc bộ của bạn bắt đầu trước khi khủng long xuất hiện trên Trái đất, thì để hết quãng đường một năm ánh sáng, nó chỉ vừa mới kết thúc mới đây thôi.

Một năm ánh sáng - khoảng cách mà ánh sáng đi trong một năm, được sử dụng như là đơn vị cơ bản đo khoảng cách giữa các liên hành tinh - bằng khoảng 5,9 triệu dặm. Nếu bạn bước với tốc độ trung bình 20 phút một dặm, thì bạn phải mất 225 triệu năm mới hoàn tất hành trình của mình (không ăn uống hay ngủ nghỉ gì cả).

Còn nếu bạn quá giang trên một máy bay siêu thanh X-43A của NASA với vận tốc 9.68 Match (máy bay nhanh nhất thế giới hiện nay), bạn sẽ tốn khoảng 97 nghìn năm để băng qua khoảng cách này.

Bạn cũng cần mang theo một túi đồ dự trữ khổng lồ nữa chứ. Trung bình, một người trưởng thành tiêu thụ 80 calo trên mỗi dặm đi bộ, vì thế bạn sẽ cần đến 2 nghìn tỷ thanh năng lượng để nạp nhiên liệu cho chuyến đi của mình. Bạn cũng cần cả một đống giày để thay những chiếc đã rách. Một đôi giày trung bình thọ được 500 dặm, vì thế bạn sẽ ngốn khoảng 11,8 tỷ đôi.

Và hơn hết, dù cho tất cả những nỗ lực đó, bạn cũng chẳng đi được bao xa trong thiên hà mênh mông: ngôi sao gần Mặt trời nhất, Proxima Centauri, cũng nằm cách chúng ta 4,22 năm ánh sáng.

T. An (theo Popsci)

Bài liên quan

Trâu bò luôn quay đầu về một hướng

Nếu chẳng may bị lạc ở vùng nông thôn mà không có la bàn, bạn chớ vội hoảng. Theo các nhà khoa học Đức, bạn có thể xác định phương hướng bằng cách quan sát các đàn gia súc.

Có bao giờ bạn để ý rằng những đàn gia súc luôn quay đầu về một hướng. Những hình ảnh từ Google Earth cho thấy trâu, bò có xu hướng đứng theo trục bắc-nam, trong đó đầu của chúng hướng về phía bắc.

Những đàn hươu hoang dã cũng có hành vi tương tự, nhưng các thợ săn đã không chú ý tới hiện tượng này trong suốt hàng nghìn năm.

Nhiều nhà khoa học nhận định rằng từ trường của Trái đất có thể tác động tới hành vi của những con vật.

Gia súc
Gia súc quay đầu về phía bắc trong lúc ăn cỏ và nghỉ ngơi. Ảnh: Dailymail.co.uk.

Trên thực tế, Trái đất là một cục nam châm khổng lồ, với cực bắc và cực nam nằm sát hai địa cực. Nhiều động vật - trong đó có chim và cá hồi - sử dụng từ trường Trái đất để định hướng trong quá trình di cư. Một số nghiên cứu cũng chứng minh rằng dơi, một động vật có vú, cũng có khả năng định hướng nhờ từ trường.

Tiến sĩ Sabine Begall và cộng sự thuộc Đại học Duisburg-Essen (Đức) tiến hành nghiên cứu gia súc để tìm hiểu xem chúng có khả năng định hướng dựa vào từ trường Trái đất hay không. Họ thu thập ảnh của 8.510 con trâu, bò tại 308 đồng cỏ trên khắp hành tinh thông qua Google Earth. Các con vật được chụp ở nhiều tư thế: gặm cỏ, nằm nghỉ, đứng trong đàn, cho con bú. Do toàn bộ ảnh được chụp từ vệ tinh nên rất khó tìm được những ảnh có độ phân giải cao. Các chuyên gia không thể phân biệt được đầu và đuôi các con vật, nhưng họ nhận thấy chúng có xu hướng đứng theo trục bắc-nam.

Những con hươu luôn đứng theo hướng bắc-nam. Ảnh: BBC.

"Ở châu Phi và Nam Mỹ, hướng đứng của gia súc có một khác biệt nhỏ. Thay vì đứng theo hướng nam - bắc, chúng thường quay mặt về phía đông bắc hoặc tây nam. Chúng ta đều biết rằng từ trường ở châu Phi và Nam Mỹ yếu hơn rất nhiều so với những khu vực khác", Sabine phát biểu.

Kết quả nghiên cứu loại trừ giả thiết cho rằng vị trí của mặt trời và hướng gió ảnh hưởng tới tư thế đứng của động vật.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi lại tư thế của 2.974 con hươu hoang dã tại 277 địa điểm thuộc nước Cộng hòa Czech. Họ nhận thấy khoảng hai phần ba số chúng luôn quay đầu về hướng bắc khi ăn và ngủ, số còn lại quay đầu về phía nam. Theo Sabine, đó có thể là một hành vi giúp hươu đối phó với động vật ăn thịt.

"Chúng tôi kết luận rằng từ trường của Trái đất là tác nhân chính khiến gia súc có xu hướng quay mặt về phía bắc. Điều đó giải thích tại sao tổ tiên của chúng có thể thực hiện những chuyến di cư dài hàng nghìn km từ châu Phi tới châu Á và châu Âu", Sabine nói.

Việt Linh (theo BBC, Daily Mail)


Bài liên quan

Ngôn từ đáng sợ hơn dao kiếm

Ảnh: dailymail.co.uk.
Ảnh: dailymail.co.uk.

Người phương Tây thường nói "Một câu nói hiểm gây đau đớn hơn hàng vạn nhát dao" để dạy con cái về cách ứng xử. Giờ đây các nhà tâm lý đã tìm ra lý do tại sao một câu chửi cay độc đáng sợ hơn vài trận đòn.

Các chuyên gia tâm lý của Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ yêu cầu một nhóm tình nguyện viên nhớ lại những cú sốc tâm lý và nỗi đau thể xác trong 5 năm trước. Các tình nguyện viên ghi những trải nghiệm của họ lên giấy rồi tham gia một đợt kiểm tra tâm lý.

Kết quả phân tích cho thấy tất cả tình nguyện viên nhớ những tổn thương tinh thần rõ ràng hơn nỗi đau thể xác.

Trong thử nghiệm tiếp theo, nhóm chuyên gia yêu cầu tình nguyện viên thực hiện các bài tập đánh giá khả năng tư duy sau khi nhớ lại những sự kiện khiến họ phải chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần. Các nhà tâm lý nhận thấy họ ghi được điểm số cao hơn sau khi nhớ lại những nỗi đau thể xác.

Zhansheng Chen, chuyên gia của Đại học Purdue, cho rằng việc những cú sốc tinh thần tồn tại khá lâu trong ký ức con người và gây nên những vấn đề tâm lý có thể là một tác động không mong muốn trong quá trình tiến hóa của vỏ não - nơi điều khiển các hoạt động tư duy, nhận thức và ngôn ngữ.

"Sự tiến hóa của vỏ não giúp con người cải thiện khả năng phản ứng và thích nghi với mọi thay đổi trong môi trường sống xung quanh. Chẳng hạn, nỗi đau thể xác dạy con người rằng chúng ta không nên lặp lại những hành động gây tổn hại tới cơ thể. Tuy nhiên, sự tiến hóa của vỏ não cũng mang đến một tác động không mong đợi: nó cho phép chúng ta lưu giữ những cú sốc tâm lý trong khoảng thời gian rất dài", Chen giải thích.

Việt Linh (theo Daily Mail)


Bài liên quan

Tại sao khó đập ruồi?

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Một người đập ruồi. Reuters.

Các nhà khoa học Mỹ khẳng định não của ruồi xử lý thông tin cực nhanh, nhờ đó chúng có thể tránh những cú đập của con người.

Ngay khi cảm nhận được mối nguy, loài côn trùng nhỏ bé này sẽ bay theo hướng ngược lại để bảo đảm an toàn.

"Những cử động được thực hiện rất nhanh, trong khoảng 1/5 giây. Đó là khoảng thời gian mà ruồi xác định hiểm họa tới từ hướng nào rồi sắp xếp lại vị trí của chân và cánh để tạo nên chuyển động hợp lý. Quá trình này cho thấy não ruồi có thể xử lý thông tin rất nhanh", Michael Dickinson, chuyên gia thuộc Viện Công nghệ California, phát biểu.

Michael và cộng sự tìm hiểu quá trình xử lý thông tin ở ruồi ăn quả nhờ sự hỗ trợ của một thiết bị chụp ảnh tốc độ cao và vỉ đập ruồi.

Những bức ảnh chụp được cho thấy, khi phát hiện mối đe dọa ở phía trước, ruồi di chuyển những chiếc chân giữa về phía trước, ngả người về phía sau và nâng chân sau lên để bay về phía sau. Nếu vỉ ruồi ở bên phải hoặc trái, chúng nghiêng người về phía đối diện trước khi đảo chiều bay.

"Phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn hệ thần kinh của ruồi, đồng thời chỉ ra những nguyên tắc để đập ruồi hiệu quả. Tốt nhất là chúng ta nên đập chúng từ phía sau", Michael bình luận.

Việt Linh (theo Reuters)

Bài liên quan

Muốn tiết kiệm, hãy tiêu tiền mặt

Khi mua bằng tiền mặt, người ta sẽ cân nhắc chi ly hơn. Ảnh: photobucket.

Người tiêu dùng chỉ xót tiền khi họ phải bỏ ra tiền mặt. Vì thế, nếu bạn muốn tiết kiệm, hãy cất thẻ tín dụng ở nhà và chỉ mang tiền mặt theo người.

Nghiên cứu của Priya Raghubir tại Đại học New York phát hiện thấy điều mà nhiều nhà lập kế hoạch tài chính đã biết trước: người ta vung tay mua sắm hơn khi dùng thẻ tin dụng so với khi mang tiền mặt. Mọi người cũng sẽ giữ hầu bao chặt hơn nếu họ xem kỹ bảng kê chi tiết các chi phí của mình.

Trong cuộc điều tra 4 phần của mình, nhóm của Priya nhận thấy người tiêu dùng chỉ xót tiền khi họ phải xòe ra tiền mặt.

Trong phần một, 114 người tham gia phải dự đoán họ sẽ chi bao nhiêu tiền nếu dùng tiền mặt hoặc dùng thẻ tín dụng cho một bữa ăn trong nhà hàng được mô tả chi tiết. Kết quả là "mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn nếu họ trừ vào thẻ tín dụng".

Trong thử nghiệm thứ hai, 57 tình nguyện viện phải dự đoán chi phí cho một bữa tối của Lễ Tạ ơn, từng món một, thay vì nhìn tổng thể hóa đơn. Khi đó, khoảng cách giữa việc trả bằng tiền mặt và trả bằng thẻ không đáng kể.

Bước ba, 28 người tham gia được xem một chi tiết các món đồ cần mua, với thẻ quà tặng trị giá 50 đôla, hoặc với khoản tiền 50 đôla. Kết quả là, khi cầm thẻ, mọi người đều mua nhiều hơn.

Cuối cùng, 130 tình nguyện viên được cho 1 đôla tiền mặt hoặc thẻ quà tặng trị giá 1 đôla để mua kẹo. Đầu tiên, họ đều sẵn lòng bỏ ra nhiều hơn khi cầm thẻ so với khi cầm tiền mặt. Nhưng sau khi được cầm thẻ đó trong ví 1 giờ, họ trở nên "keo kiệt hơn", chứng tỏ thẻ quà tặng dần dần dược coi như tiền thực sự.

"Nghiên cứu cho thấy các hình thức trả tiền gián tiếp (như thẻ tín dụng) có xu hướng ít được xem là tiền mặt và vì thế người ta sẽ tiêu dễ dàng hơn", nhóm nghiên cứu bình luận.

"Tôi thấy rằng nếu một người trẻ tuổi hiểu rằng chỉ cần tiết kiệm một khoản nhỏ mỗi tháng trong thẻ tín dụng có thể khiến họ trở thành triệu phú khi đến tuổi 65, họ sẽ cân nhắc kỹ hơn về việc dùng thẻ tín dụng", Doug Borkowski, Giám đốc Khoa tư vấn tài chính, Đại học bang Iowa, khuyên các sinh viên trong nghiên cứu.

T. An (theo LiveScience)


Bài liên quan

Phát hiện loài trai khổng lồ ở biển Đỏ

Con trai với những rãnh sâu ngoằn ngoèo trên vỏ. Ảnh: BBC.

Một loài trai khồng lồ mới vừa được tìm thấy tại biển Đỏ, với những nếp uốn sâu trên vỏ.

Các dữ liệu hóa thạch cho thấy khoảng 125.000 năm trước, loài Tridacna costata này chiếm hơn 80% dân số trai khổng lồ trong vùng. Song giờ đây, chúng có thể đã trở nên cực kỳ nguy cấp.

Các nhà khoa học tin rằng phát hiện của họ có thể minh chứng cho một trong những ví dụ sớm nhất về sự khai thác biển quá mức của con người.

Tridacna costata có những đặc điểm rất kỳ lạ khiến nó khác hẳn với hai loài trai khổng lồ khác cũng ở biển Đỏ. Đó là những dường zig zag trên thân vỏ. Chúng dài 40 cm và nặng khoảng 2 kg. Một loài họ hàng xa của chúng có thể dài đến 1,4 mét.

Những con trai còn sống dường như chỉ phân bố hạn chế trong những vùng nước rất nông, trong khi các loài khác phân bố ở các đới san hô sâu hơn. Ngoài các mẫu vật sống, người ta cũng khai quật được các mẫu hóa thạch còn nguyên vẹn, chứng tỏ dân số của chúng đã suy giảm đột ngột vào khoảng 125.000 năm trước. Mà nguyên nhân được cho là do con người săn bắt để lấy thịt.

T. An (theo BBC)


Bài liên quan

5 bí quyết để luôn cảm thấy hạnh phúc

Ảnh: dailylife.com.
Ảnh: dailylife.com.

Bạn cảm thấy buồn chán và quyết định đi du lịch tới một nơi tuyệt đẹp. Nhưng khi chuyến đi kết thúc thì cảm giác vui vẻ cũng biến mất. Theo các chuyên gia tâm lý, muốn được tận hưởng hạnh phúc, bạn cần có những giải pháp lâu dài.

Trang Livescience cho rằng 5 yếu tố sau đây giúp người ta luôn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống.

1. "Chọn" cha mẹ tốt

Theo các chuyên gia, trong lãnh địa của hạnh phúc, gene đóng vai trò lớn hơn các yếu tố môi trường. Những khác biệt trong ADN giải thích tại sao một số người tàn tật luôn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống, trong khi nhiều người sống trong nhung lụa từ khi mới lọt lòng lại cảm thấy chán ngán số phận. Yếu tố di truyền giúp một số người tìm thấy hạnh phúc trong những giai đoạn khó khăn nhất. Một nghiên cứu tại Canada vào năm 2006 cho thấy, việc biến đổi cấu trúc của gene có thể giúp con người duy trì cảm giác lạc quan đến trọn đời.

2. Chia sẻ khó khăn với người khác

Theo một nghiên cứu ở Mỹ, bạn luôn cảm thấy vui sướng sau khi cho người khác tiền, dù đó chỉ là một khoản nho nhỏ. Sự hào phóng đối với những người kém may mắn cũng giúp cho cuộc hôn nhân của bạn trở nên bền chặt hơn vì cả hai đều cảm thấy hạnh phúc. Các nhà khoa học khẳng định, những người làm từ thiện luôn cảm thấy hạnh phúc vì họ cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn người khác.

3. Luôn duy trì thái độ tích cực

Mỗi người đều có khả năng đối đầu với nghịch cảnh, nhưng không phải tất cả đều nhận ra điều đó. Một cuộc điều tra tâm lý đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Anh vào năm 2005 cho thấy, mặc dù phải thay máu tới 3 lần mỗi tuần, phần lớn bệnh nhân vẫn cảm thấy yêu đời khi được thông báo họ chỉ phải điều trị trong 3 tháng nữa. Nhưng khi được yêu cầu phát biểu cảm nghĩ về việc chạy thận nhân tạo, tất cả người khỏe mạnh đều thừa nhận rằng họ cảm thấy tuyệt vọng nếu rơi vào hoàn cảnh đó.

Cựu thủ tướng Winston Churchill từng nói: "Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong tất cả cơ hội, còn người lạc quan tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn".

Đổ mồ hôi hàng ngày

Lao động chân tay và tập thể dục thường xuyên làm tăng lượng endorphins (hoóc môn giúp tạo nên tâm trạng phấn khởi và giảm cảm giác đau đớn) đồng thời đốt cháy cortisol (hóoc môn gây nên cảm giác căng thẳng và buồn bã). Chạy bộ, đạp xe, bơi, đá bóng hay tập aerobic đều khiến não giải phóng endorphin vào máu. Vì thế, muốn tăng nồng độ của chất gây hưng phấn này, bạn chỉ cần tăng thời gian và cường độ tập thể dục.

Đừng sợ tuổi già

Một cuộc khảo sát với đối tượng gồm 2 triệu người tại 80 nước vào tháng 1/2008 cho thấy, trầm uất là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở những người trong độ tuổi tứ tuần. Nhưng khi vượt qua độ tuổi đó, mức độ thỏa mãn với cuộc sống trong phần lớn chúng ta sẽ tăng lên theo thời gian. Càng lớn tuổi, loài người càng biết cách loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong cuộc sống để tập trung vào những thứ có thể mang đến niềm vui. Nhìn chung người già luôn học được cách trở nên hài lòng với những gì họ có hơn người trẻ tuổi.

Việt Linh (theo Livescience)


Bài liên quan

Vị cứu tinh thầm lặng của đại dương

Ảnh:
Ảnh: dailylife.com.

Các nhà hải dương học người Italy khẳng định virus dưới đáy đại dương tạo nên cái gọi là "vòng tuần hoàn carbon" để duy trì cuộc sống của các sinh vật biển và làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu.

Trong vòng tuần hoàn carbon, những vi tảo ở mặt biển hấp thụ carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển. Những sinh vật cực nhỏ ấy được gọi là prokaryote.

Rất nhiều prokaryote bị nhiễm những loại virus có sẵn trong tự nhiên. Khi chết đi, những phần cơ thể giàu carbon của chúng bị phân hủy, chìm dần xuống đáy biển và trở thành thức ăn cho vi khuẩn. Như vậy, các prokaryote trở thành một phần trong chuỗi thức ăn dưới đại dương.

Giới khoa học từ lâu cho rằng những virus trên bề mặt đại dương đóng một vai trò kép: vừa tiêu diệt thực vật lại vừa duy trì sự tồn tại của chúng.

Tuy nhiên, các bằng chứng mới cho thấy những vi khuẩn nhỏ xíu cũng góp phần vào việc tạo nên một hệ sinh thái khổng lồ chưa được khám phá dưới đáy đại dương - một nơi tối tăm, nguy hiểm và nghèo chất dinh dưỡng.

Một nhóm chuyên gia hải dương của Đại học Bách khoa Marche (Italy) thu thập và sàng lọc nhiều mẫu trầm tích từ một số địa điểm dưới đáy đại dương trên khắp thế giới, từ độ sâu 183 m tới 4.603 m.

"Kết quả khiến chúng tôi kinh ngạc. Ở độ sâu trên 1.000 m, prokaryote chiếm tới 90% tổng số thực vật. Quan hệ tương tác giữa virus và prokaryote dưới đáy đại dương diễn ra rất mạnh mẽ. Sự tương tác này giúp hệ sinh thái dưới đáy tồn tại độc lập mà không cần tới nguồn dưỡng chất từ mặt nước. Đó là kiểu cơ chế tự duy trì", tiến sĩ Roberto Danovaro, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Theo tiến sĩ Roberto, con người là một trong những chủ thể được hưởng lợi từ cơ thế này, bởi dưỡng chất dưới đáy biển nuôi sống hải sản.

Một câu hỏi nữa: Virus có vai trò gì trong quá trình nóng lên của khí hậu Trái Đất?

Mỗi năm các đại dương hấp thụ hàng tỷ tấn CO2 từ không khí. Vì thế, có thể nói chúng đóng vai trò là tấm đệm đối với những chất khí gây hiệu ứng nhà kính mà con người thải ra. Sau khi các vi tảo chết, lượng carbon trong cơ thể chúng sẽ bị thực vật dưới đáy đại dương hấp thụ, nhờ đó mà carbon không thể quay trở lại bề mặt đại dương cũng như khí quyển.

Theo kết quả nghiên cứu của Roberto và cộng sự thì virus là dạng sống có số lượng lớn nhất ở các đại dương. Mỗi năm chúng "thôn tính" khoảng 630 triệu tấn carbon trên toàn thế giới.

Việt Linh (theo AFP)


Bài liên quan

1.500 tàu robot để ngăn Trái đất ấm lên

Tàu phun nước hoàn toàn tự động. Hình vẽ: John McNeil.

Một nhà nghiên cứu người Anh muốn gửi hằng trăm con tàu không người lái ra biển để phun nước lên không khí - nhằm kìm hãm sự ấm lên của bầu khí quyển.

Theo phương án của Stephen Salter và cộng sự, từ Đại học Edingburgh, họ sẽ dùng hàng trăm chiếc tàu robot không người lái, qua lại trên đại dương và ngày đêm phun những giọt nước biển cực bé quanh năm suốt tháng.

Theo lý thuyết, những giọt nước này sẽ là hạt nhân ngưng tụ làm cho mây trên đại dương trắng sáng thêm. Nhờ đó chúng có thể phản xạ tia nắng Mặt trời nhiều hơn, hơi nóng từ Mặt trời sẽ đến được mặt nước biển ít hơn. Nhờ thế, Trái đất nhìn chung sẽ bớt ấm lên một ít và biến đổi khí hậu sẽ ngưng lại.

Salter tin rằng ý tưởng này có thể là cứu cánh cho khí hậu, đặc biệt trước những chính sách thường chỉ trên giấy tờ hiện nay. "Nếu như chúng ta không thay đổi cung cách sống thì phải cần từ 1200 đến 1500 con tàu", Salter nói. Những chiếc thuyền này dài khoảng 45 m và có trọng lượng nước rẽ là 300 tấn.

Ý tưởng này nổi bật nhờ vào phí tổn ít một cách đáng ngạc nhiên: Chỉ với số tiền không đến 100 triệu euro hằng năm, bao gồm cả tiền chứng minh tính khả thi kỹ thuật, phí tổn phát triển để sản xuất hàng loạt và tiền đóng mới tàu hàng năm.

Đi tàu buồm với hiệu ứng Magnus

Kỹ thuật dùng tàu phun nước dựa trên ý tưởng của nhà phát minh người Đức Anton Flettner - rôto Flettner. Khi một hình trụ dựng đứng đang quay và đồng thời có luồng gió thổi sẽ tạo thành một lực thẳng góc với dòng không khí. Nguyên nhân là hiệu ứng Magnus, cũng là hiệu ứng mà các cầu thủ áp dụng khi muốn đá một quả bóng xoáy vào khung thành.

Ý tưởng cũ: Trong những năm 1920, nhà phát minh người Đức Anton Flettner trang bị rôto Flettner cho nhiều con tàu để vượt đại dương sang Mỹ. Nhưng phương án đã không thành công trong hàng hải. Ảnh: Corbis.

Trong những năm 1920 Flettner từng trang bị những rôto này cho nhiều tàu thủy, nhưng phương án truyền động này không thành công.

Có thể là giờ đây nó sẽ thành công trong cuộc đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu. Salter cho rằng rôto Flettner chính là kỹ thuật truyền động lý tưởng nhất vì nó thích hợp nhất cho việc điều khiển bằng máy tính. Nhờ thế, những con tàu không người lái này sẽ qua lại trên đại dương hoàn toàn tự động.

Trên thực tế, tàu thủy với bộ truyền động Flettner dễ điều khiển hơn nhiều so với thuyền buồm cổ điển: Không cần phải tính toán vị trí của buồm mà chỉ cần vận tốc quay của ống và vị trí của bánh lái là đủ. Để đi theo hướng ngược lại người ta chỉ cần đổi chiều quay của rôto Flettner, ông Slater giải thích.

Nững con tàu này hoạt động chính xác như thế nào? Trong mô hình máy tính chúng là tàu ba thân, thân chính ở giữa, bên trên là 3 rôto Flettner. Hai thân phụ hai bên tạo ổn định. Năng lượng điện để quay những rôto Flettner và để phun nước biển là do một chân vịt khổng lồ nằm dưới thân chính, chìm dưới nước cung cấp.

"Có thể sẽ hoạt động được"

Để đạt được tác dụng mong muốn, mỗi một giây các tàu phải phun 30 kg nước biển được lọc kỹ lưỡng lên không khí. "Phương pháp này không tạo mây mới", nó chỉ đơn giản là làm cho các đám mây đang có trắng ra.

Những con tàu không người lái sẽ hoạt động cách xa các tuyến giao thông đường biển chính, không những chỉ ở một khu vực mà rải rác trên khắp trên các đại dương. Kế hoạch hoạt động toàn cầu sẽ do một máy tính trung tâm điều khiển, các chiếc tàu sẽ tự động di chuyển.

Ý tưởng của những chiếc tàu bảo vệ khí hậu được nhiều đồng nghiệp nghiên cứu ủng hộ. "Có thể sẽ hoạt động được", ông Oliver Wingenter của Viện Mỏ và Công nghệ New Mexico nói. Nhưng vấn đề là hình thức tác động đến quả địa cầu này cũng có thể làm cho mưa ít hơn.

Salter cũng không phủ nhận là các con tàu không người lái có thể sẽ làm thay đổi khí hậu trong khu vực. "Có thể sẽ có mưa nhiều hơn nhưng cũng có thể sẽ ít hơn. Chúng tôi có thể quyết định trước thời gian và địa điểm phun nước". Việc phun nước trong vùng nào của Trái Đất có tác động ra sao là một thách thức khoa học đáng quan tâm. Theo nhận biết hiện nay, Bắc Cực trong mùa xuân là một vùng để cho tàu hoạt động tốt, từ tháng 7 đến tháng 12 thì lại là Thái Bình Dương gần bờ biển Bắc và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, Salter cũng biết rằng công việc này có nhiều rủi ro.

Có thể những ý tưởng như các con tàu không người lái phun nước rồi đây sẽ là cứu cánh cuối cùng cho khí hậu. Song nếu phương án hoạt động không tốt như người ta hy vọng thì ít nhất là các nhà đi biển đang gặp nạn sẽ vui mừng vì có những con tàu Flettner qua lại trên các đại dương. Vì các con tàu ba thân này có thể sẽ là những tàu cứu hộ nhanh chóng trên biển cả, tự động tiến về nơi các tàu đang gặp nạn. Ông Salter dự định là các tàu phun nước này sẽ mang theo chăn và nước uống.

Phan Ba (theo Spiegel Online)

Bài liên quan

Khu rừng hóa thạch khổng lồ trong hầm mỏ

Tàn tích của một thân cây mọc khoảng 300 triệu năm trước. Ảnh: BBC.

Những cánh rừng hóa thạch kỳ lạ vừa được tìm thấy ở Illinois (Mỹ), với những thân cây hóa đá hiện rõ nét trên trần các hầm mỏ, bao phủ trên hàng nghìn hecta.

Chúng thuộc số những cánh rừng đầu tiên tiến hóa trên hành tinh, tiến sĩ Howard Falcon-Lang cho biết tại Festival hiệp hội khoa học Anh đang diễn ra ở Liverpool.

"Đây là những cánh rừng hóa thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới tại bất kỳ thời điểm địa chất nào", ông nhấn mạnh.

"Thật là khác thường khi tìm được một phong cảnh hóa đá được bảo tồn trên khu vực rộng lớn như thế. Chúng tôi đang nói đến diện tích bằng thành phố Bristol (Anh)".

Những cánh rừng này xuất hiện cách nhau vài triệu năm, ở thời đại cách chúng ta 300 triệu năm, và lớp này chồng lên lớp khác. Chúng lộ ra do hoạt động khai thác hầm mỏ trên quy mô lớn trong khu vực biên giới giữa 3 bang Illinois, Indiana and Kentucky.

Các nhà khoa học đang tìm kiếm nơi có thể là thảm rừng. Ảnh: BBC.

Khi các lớp than được bóc đi, người ta có thể nhìn thấy những thân cây thẳng đứng với bộ rễ cắm xuống đất, và gần đó là những gốc cây rải rác. "Chúng tôi tìm thấy những thân cây dài đến 30 mét đổ xuống với cả tán cây còn nguyên vẹn". Một vài phần được bảo tồn rất tinh tế.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này có thể mở ra bằng chứng về việc những cánh rừng hiện đại ngày nay phản ứng với một thế giới đang nóng lên như thế nào.

T. An (theo BBC)


Bài liên quan

Con người có trí nhớ phi thường

Thí nghiệm cho thấy người tham gia ghi nhớ được hầu hết các đồ vật được xem trước đó. Ảnh: LiveScience.

Nếu trí nhớ của chúng ta thực sự được số hóa, nó sẽ là một phiên bản đĩa mềm cải tiến chứ không chỉ là năng lực trong chốc lát.

Một nghiên cứu mới của Mỹ tìm thấy não có thể nhớ được nhiều thứ hơn nhiều so với chúng ta tưởng.

Trong một thí nghiệm, 14 người tình nguyện tuổi từ 18 đến 40 xem gần 3.000 bức tranh đồ vật trong hơn 5 tiếng, phân biệt ảnh của các vật thể giống nhau như những chiếc điều khiển từ xa, các tờ đôla và các ổ bánh mỳ. Rút cục họ có thể nhớ đến từng chi tiết một cách đáng kinh ngạc về hầu hết các đồ vật đó.

"Để lấy một ví dụ, sau khi xem hàng nghìn đồ vật, người tham gia không chỉ nhớ cái tủ kéo mà họ nhìn thấy, mà còn nhớ là cánh cửa tủ hơi mở nữa", một tác giả cho biết.

Mặc dù các công trình trước kia chưa bao giờ đo đạc được khả năng nhớ phi thường như vậy, nhưng nó có thể đơn giản chỉ là chưa ai thực sự cố gắng.

Một động lực được xem là đã thúc đẩy khả năng nhớ này, theo các chuyên gia, đó là quy định người ghi điểm cao nhất sẽ được một phần thưởng nhỏ.

"Bạn phải cố gắng. Bạn phải muốn cố gắng ghi nhớ", Talia Konkle, đồng tác giả nghiên cứu từ viện MIT, cho biết.

Cũng theo các tác giả, về cơ bản, chúng ta có thể ghi nhớ hầu hết mọi thứ được thả vào đầu mình, nếu có đủ chú ý và cố gắng ghi nhớ nó trong lần đầu tiên.

T. An (theo LiveScience)


Bài liên quan

Bí ẩn xung quanh chân của cá voi

Những thế hệ cá voi đầu tiên trên Trái đất từng tung hoành trong các đại dương bằng hai chân sau.

Các nhà sinh vật cho rằng, tổ tiên của cá voi từng di chuyển trên đất liền bằng 4 chân giống như những động vật có vú khác. Qua thời gian, để thích nghi với cuộc sống dưới nước, hai chân trước của chúng biến thành chân chèo, trong khi cặp chân sau và hông biến mất. Bằng chứng là dấu vết của khung xương chậu vẫn hiện diện trên cơ thể cá voi hiện đại.

Quá trình biến đổi của cơ thể cá voi để phù hợp với cuộc sống dưới nước vẫn còn là một bí mật lớn. Theo các nhà khoa học, điều quan trọng nhất là tìm ra thời điểm những thùy lớn xuất hiện trên đuôi của chúng.

"Sự xuất hiện của thùy đuôi là một trong những khâu cuối cùng trong quá trình chuyển tiếp từ đất liền xuống đại dương", nhà cổ sinh vật học Mark Uhen thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Alabama, thành phố Tuscaloosa, bang Alabama, Mỹ, phát biểu.

Cá voi cổ đại từng có 4 chân như động vật có vú trên cạn. Ảnh:
Cá voi cổ đại từng có 4 chân như các động vật có vú khác trên cạn. Ảnh: indiana.edu.

Để vén bức màn bí mật, Mark phân tích những hóa thạch mới mà những người sưu tầm nghiệp dư phát hiện dọc theo các bờ sông ở hai bang Alabama và Mississippi. Những khúc xương thuộc về loài cá voi cổ đại Georgiacetus, loài động vật từng tung hoành dọc theo bờ biển Bắc Mỹ khoảng 40 triệu năm trước, khi phần lớn bang Florida vẫn chìm dưới nước. Georgiacetus có chiều dài hơn 3,6 m và sử dụng hàm răng sắc để bắt động vật thân mềm và cá.

Loài cá voi đầu tiên sở hữu thùy đuôi là những họ hàng gần của Georgiacetus. Chúng xuất hiện trên hành tinh cách đây khoảng 38 triệu năm. Thế nhưng bản thân loài Georgiacetus lại không có thùy đuôi, bởi đốt sống đuôi của chúng không phẳng như đốt sống đuôi của những loài cá voi họ hàng.

Theo Mark, rất có thể Georgiacetus sử dụng hai chân sau như mái chèo để bơi. Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng loài cá voi cổ đại này có hông lớn, nghĩa là chúng có chân sau lớn. Nhưng kỳ lạ thay, các nhà khoa học cũng nhận thấy khung xương chậu của chúng không gắn với xương cột sống. Điều đó có nghĩa là cặp chân sau không thể bơi dưới nước hay nâng đỡ cơ thể trên đất liền. Vậy cặp chân sau có vai trò gì trong cuộc sống của cá voi cổ đại?

"Chúng tôi đang đi theo giả thiết rằng cá voi cổ đại lắc hông để bơi, đồng thời di chuyển chân như mái chèo. Vì thế chúng bơi giống như cá voi hiện đại, tức là uốn cơ thể lên và xuống như sóng", Mark nói.

Việt Linh (theo Livesience)


Bài liên quan

Gấu trắng Bắc cực hóa màu... xanh

Những con gấu trắng tại một vườn thú Nhật Bản đã bị đổi màu lông trong tháng 7 sau khi bơi trong một cái ao có quá nhiều tảo. Màu lông lạ từng khiến nhiều khách tham quan vườn thú băn khoăn liệu chúng có bị ốm hay bị mốc không.

Một con gấu Bắc cực, với bộ lông bám đầy tảo xanh, đứng trên chuồng ở vườn thú Higashiyama tại Nagoya, miền trung Nhật Bản hồi tuần trước.

Hai con gấu bị đổi màu lông đứng trong chuồng ở vườn thú này.
(Theo Tân Hoa Xã)

Bài liên quan

Trái đất tí hon

Nhà địa chất Lathrop hy vọng quả cầu nặng 30 tấn này khi quay sẽ tạo ra một từ trường tương tự như từ trường của Trái đất. Ảnh: Popsci.

Tại sao hành tinh của chúng ta phản ứng giống như chiếc nam châm khổng lồ? Một nhà khoa học đang tự tạo ra mô hình Trái đất để hiểu điều đó.

Dan Lathrop cần một Trái đất to hơn. Mô hình cũ của ông chỉ rộng có 0,6 mét và nặng 220 kg, nhỏ hơn thực tế khoảng 20 triệu lần. Và sau 4 năm thử nghiệm, nó thất bại trong việc tạo ra một từ trường giống như của Trái đất - lớp áo bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ mặt trời và khiến cho các hệ thống định vị bằng la bàn đều quay lên hướng bắc.

Lathrop, một giáo sư vật lý và địa chất tại Đại học Maryland, Mỹ, cho rằng chìa khóa để tạo ra từ trường là kích cỡ vật thể. Một quả cầu lớn hơn với nhiều kim loại nóng đang sôi sục trong lòng nó, giống như lõi sắt của Trái đất, có thể tạo ra khối lượng đủ nặng để tạo nên từ trường hình cầu này.

Vì thế, ông đã dành 1,6 triệu đôla tiền thưởng để chế tạo một Trái đất giả cao 3 mét và nặng 30 tấn.

Khi nhân Trái dất quay, nó sinh ra một từ trường làm lệch hướng bức xạ mặt trời. Ảnh: Paul Wootton.

Từ trường của Trái đất đã đảo chiều hàng trăm lần trong suốt chiều dài lịch sử của nó và yếu đi khoảng 10% kể từ khi bắt đầu được quan trắc vào thập kỷ 1830. Hiện nay nó đang chuẩn bị cho một cuộc đảo chiều mới, có thể lại yếu thêm chút nữa, và khiến con người bị "phơi" ra trước các hạt mặt trời nguy hiểm.

Để tìm hiểu, Lathrop đã dành mùa hè vừa qua để kiểm tra quả cầu mới của mình và cơ chế tự quay của nó. Mùa thu này, ông sẽ bơm vào đó một nhân natri lỏng, quay với tốc độ 90 dặm mỗi giờ, và kiểm tra xem điều gì xảy ra.

Mặc dù các nhà khoa học châu Âu đã tạo ra được từ trường, nhưng chưa ai xây dựng một mô hình tương tự Trái đất.

Nếu Trái đất tí hon của Lathrop thành công trong việc tạo ra từ tường của bản thân nó, điều này có thể giúp giới khoa học phát triển những mô hình có tính dự báo về điều gì xảy ra với từ tường này.

T. An (theo Popsci)


Bài liên quan

Trẻ học 2 ngôn ngữ có thể nói lắp

Ảnh: Hoàng Hà.

Ai cũng muốn mình thành thạo nhiều ngoại ngữ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy nếu trẻ trước 5 tuổi học ngoại ngữ thì nhiều khả năng trẻ bị nói lắp về sau và cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để chữa tật này.

Cuộc khảo sát của nhà tâm lý Peter Howell từ Đại học tổng hợp London thực hiện trên 317 trẻ từ 8 đến 10 tuổi, các bé từng đến gặp bác sĩ vì nói lắp.

Trong số đó, cứ 5 em thì có 1 em nói tiếng Anh và một ngôn ngữ khác ở nhà. Gần một nửa các bé nói lắp cả hai ngôn ngữ. Các bé nam nói lắp nhiều hơn hẳn, với tỷ lệ 4/1 so với nữ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi trẻ chỉ sử dụng ngoại ngữ ở nhà mà không dùng tiếng mẹ đẻ thì khả năng bị nói lắp cao hơn. Tuy nhiên, không có sự khác biệt nào trong hành vi ở trường giữa trẻ nói lắp và những trẻ khác.

Các chuyên gia cũng cho biết nếu trẻ học tiếng mẹ đẻ trước 5 tuổi rồi mới học ngoại ngữ, khả năng nói lắp sẽ giảm đi.

Nam Phương (theo Popsci.com)


Bài liên quan

Tại sao người ta thích sờ khi mua hàng ?

Nếu những người thích đánh giá vật thể qua xúc giác không được chạm tay vào hàng hóa, họ sẽ cảm thấy khó chịu và không tự tin khi cân nhắc sản phẩm.

Trong một thử nghiệm, chuyên gia tiếp thị Aradhna Krishna của Đại học Michigan và Maureen Morrin của Đại học Rutgers nhận thấy những người tiêu dùng thích sờ hàng hóa luôn cảm thấy cà phê trong cốc mềm nhạt hơn so với cà phê trong cốc cứng, mặc dù cà phê trong cả hai cốc đều được lấy từ một nguồn. Trong khi đó, cảm nhận của những người tiêu dùng không có nhu cầu sờ mó hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi độ dày của cốc.

Nhiều thử nghiệm trước đây chứng minh rằng người tiêu dùng luôn tin vào thị giác, thậm chí là khứu giác, thính giác và vị giác, để đánh giá sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về vai trò của hành vi sờ nắn trong việc đánh giá sản phẩm.

"Nghiên cứu về xúc giác trong tiếp thị vẫn ở giai đoạn sơ khai", giáo sư tiếp thị Joann Peck của trường Đại học Wisconsin (Mỹ) thừa nhận.

Ảnh: willemswebs.com.

Bằng cách kết hợp nghiên cứu trong lĩnh vực tiếp thị với những nghiên cứu tâm lý và khoa học thần kinh, Joann, Aradhna và Maureen hy vọng họ sẽ hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa sờ và giá trị mà con người cảm nhận. Chẳng hạn, một nghiên cứu tiến hành vào năm 2006 chỉ ra rằng một tổ chức từ thiện sẽ nhận được nhiều tiền quyên góp hơn nếu phân phát những cuốn sách mỏng nói về mục đích của họ. Một báo cáo khác, đăng trên tạp chí Nghiên cứu người tiêu dùng khẳng định rằng hành động chạm vào một vật thể làm tăng cảm giác sở hữu và khiến người ta dễ dàng bỏ tiền ra mua nó hơn.

Joann cho rằng những kết luận trên rất hữu ích đối với các công ty bán hàng trực tuyến qua mạng Internet, nhờ đó họ có thể đề ra kiểu tiếp thị hợp lý đối với từng loại sản phẩm. Chẳng hạn, hình ảnh một chiếc điện thoại di động cùng với kích thước, khối lượng và một đoạn phim minh họa các chức năng của nó có thể khiến những người có nhu cầu sờ mó sản phẩm hài lòng, nhưng bức ảnh một chiếc áo len được quảng cáo là "mềm" và "mịn" có thể sẽ không đủ hấp dẫn đối với họ.

Việt Linh (theo Livescience)


Bài liên quan

Đánh giày để bảo vệ hệ sinh thái

Người đánh giầy vì môi trường Chris Ward. Ảnh: Spiegel Online.

Bắc cực đang bị đe dọa bởi nhiều loài thực vật xa lạ được mang tới đây dưới đế giày của du khách. Một nhà nghiên cứu trẻ muốn giải quyết vấn đề này với bàn chải và dao trộn.

Những người vừa đáp xuống phi trường của đảo Spitsbergen ở Bắc cực không hề để mắt tới anh Chris Ward đang ngồi trong một góc gian tiền sảnh nhỏ của Cảng hàng không Longyearbyen. Thay vào đó, du khách bị cuốn hút bởi chú gấu nhồi khổng lồ đang đường bệ đứng giữa băng chuyền hành lý. Không những chỉ chuẩn bị tâm lý cho số du khách đang ngày càng tăng đón nhận cảnh đẹp hùng vĩ của hòn đảo, gã khổng lồ màu trắng còn nhắc nhở đến mối nguy hiểm của loài thú dữ lớn nhất trên đất liền. Vì quần thể gấu trắng ước tính 3.000 con còn lớn hơn cả dân số trên hòn đảo này.

Anh Ward, 26 tuổi, ngồi cách chú gấu đang được trầm trồ kinh ngạc chỉ vài mét và đợi đến lượt mình. Sau khi du khách nhìn chán chê chú gấu, anh bắt đầu thực hiện kế hoạch – đề nghị một vài người vừa mới đến cho phép anh được nhìn dưới đế giầy của họ. "Free Shoe Cleaning", đánh giày không tốn tiền, là dòng chữ trên tấm bảng được dựng trước người thanh niên Australia, đang học tại Đại học Tasmania. Nhờ một người thứ hai giúp đỡ, anh giải thích ngắn gọn mục đích.

"Để ngăn chặn không cho thực vật lạ thâm nhập và lan rộng không kiểm soát được vào trong hệ sinh thái nhạy cảm của quần đảo", Ward nói. Vì khi du khách vô tình mang theo hạt giống dưới đế giầy đến Spitsbergen, việc này có thể tạo nhiều vấn đề sinh thái ở đó: "Một khi loài mới trụ được ở đây thì trên thực tế là không thể làm gì được nữa."

Bờ biển Spitsbergen: Đã có gần 20 loài thực vật do con người mang lên đảo. Ảnh: Spiegel Online.

Hiện có tổng cộng 165 loài thực vật được biết đến trên Spitsbergen. Tất cả chúng đều có đặc tính riêng, với khả năng sống được trong khí hậu khắc nghiệt của Bắc cực. Mặc dù vậy, chúng tăng trưởng rất chậm trong mùa hè ngắn ngủi, cao nhiều lắm là vài cm. Cây cao mọc thẳng đứng trên thực tế là không có.

Nỗi lo ngại của Ward không phải là không có nguyên do: Hiện đã có gần 20 loài thực vật được con người mang lên quần đảo, bà Inger Greve Alsos nói. Bà là giáo sư tại Trung tâm Đại học của Spitsbergen (UNIS), quản lý một ngân hàng dữ liệu về tất cả các loài thực vật trên quần đảo. Thuộc trong số những kẻ vô tình thâm nhập được ghi nhận là củ cải dại, được phát hiện gần trạm nghiên cứu Bắc Cực ở vùng tây bắc của Spitsbergen. Không ai rõ tại sao nó lại có ở đó.

"Gần như lúc nào cũng có hạt giống trong đất bẩn"

Để ngăn nhiều loài thực vật lén thâm nhập vào hệ sinh thái của đảo, Chris Ward dùng chiếc bàn chải xanh và con dao trộn làm việc tại phi trường. "Thật ra trong đất bẩn gần như lúc nào cũng có hạt giống. Lúc thì 1 hạt, lúc thì 30 đến 40", anh nói. Tất cả những gì Ward cào ra từ đế giầy của khách được đổ vào một khay nhựa trắng. Trung bình, anh thu thập gần 5 gam đất cùng "nhập khẩu" với một du khách.

Tiếp theo, các mẫu đất có ghi số được đưa đến phòng thí nghiệm trong tòa nhà UNIS ở gần đó. Dưới kính hiển vi, Ward xem xét những mẫu thu được.

"Cho đến nay tôi đã làm sạch 300 đôi giầy", nhà nghiên cứu trẻ tuổi hãnh diện nói. Tuy rằng so với 30.000 khách du lịch đến Spitsbergen hằng năm, đấy chỉ là một con số tượng trưng. Nhưng đối với anh, đầu tiên là phải hiểu được quy mô của vấn đề cũng được biết đến ở Nam cực.

Trong những tuần sau đó, người ta sẽ cho các hạt giống thu thập được nẩy mầm trong nhà kính trồng cây dưới những điều kiện tương ứng như trong mùa hè ở Bắc Cực. Anh Ward nói rằng, anh dự tính khoảng 1% trong số các hạt giống được mang vào có thể sẽ thích nghi với những điều kiện khắt khe.

Vì Bắc cực ngày càng ấm lên, nên trong tương lai sẽ còn có nhiều loài sống sót được, và hậu quả có thể là sự nguy hiểm cho giới thực vật bản địa.

Tương tự, hai nhà nghiên cứu khác mới đây cũng phát hiện một làn sóng di cư mới hiện đang diễn ra trong vùng Bắc Cực. Trong trường hợp này là động vật ở dưới biển. Đó là một cuộc di trú khổng lồ trong đại dương, có quy mô rộng lớn hơn rất nhiều so với việc mang theo thực vật trên đất liền. Nhiều loài từ bắc Thái Bình Dương đang thâm nhập vào Bắc Băng Dương đang ngày một ấm lên. Từ đó, cuối cùng chúng có thể đến được cả Đại Tây Dương. Loài bản địa và di cư vào sẽ pha trộn trong hòa bình với nhau.

Trong trường hợp lý tưởng điều này cũng sẽ xảy ra với các loài thực vật mới trên Spitsbergen, anh Chris Ward giải thích. Nhưng thật ra là ít có khả năng: "Một vài loài chỉ lặng lẽ mọc lên nhưng những loài khác có thể làm xáo trộn toàn bộ không gian sống." Những loài "xấu xa" này cần phải được ngăn chận qua việc đánh giày. Khi có kết quả, anh Ward sẽ xin gặp nhà chức trách trên đảo - để bắt buộc du khách mới đến và người dân bản xứ phải làm sạch đế giày.

Phan Ba (theo Spiegel Online)


Bài liên quan

Làm sạch hồ nước bằng bóng nhựa

Để giảm nồng độ tác nhân gây ung thư trong nguồn nước sinh hoạt, người dân thành phố Los Angeles mới đây đã thả hàng trăm nghìn bóng nhựa xuống hồ Ivanhoe.

Hồ Ivanhoe, chứa 220 nghìn mét khối nước, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 600 nghìn dân ở Los Angeles. Từ tháng 6 năm ngoái, công ty cấp nước và năng lượng Los Angeles (LADWP) phát hiện nồng độ brom và một loại hợp chất gây ung thư trong hồ Ivanhoe và hồ Elysian gần đó cao hơn mức cho phép. Tìm hiểu kỹ hơn, các chuyên gia của công ty rút ra kết luận rằng brom được hình thành từ tầng đất cát dưới đáy hồ, còn hợp chất gây ung thư được hình thành thông qua phản ứng giữa clo (được bơm vào hồ để làm sạch nước) với ánh sáng mặt trời. Giải pháp tối ưu là ngăn chặn ánh nắng chiếu xuống mặt hồ.

Trong số những giải pháp mà các nhà khoa học của LADWP đưa ra, thả bóng nhựa phủ mặt hồ được đánh giá là tối ưu nhất, bởi nó tiết kiệm được rất nhiều tiền so với việc xây mái che hay căng bạt.

Người ta sản xuất những trái bóng có đường kính 10 cm và nặng 40 g. Chúng được làm bằng nhựa
Người ta sản xuất những trái bóng có đường kính 10 cm và nặng 40 g.
Những trái bóng có thể tồn tại 3-5 năm.
Chúng được làm bằng nhựa nhưng có kết cấu bề mặt rất chắc chắn, có khả năng chịu được nhiệt độ từ -20 tới 80 độ C.
ksjfksjdfkjd
Hơn 400 nghìn bóng nhựa đã được thả xuống hồ Ivanhoe vào ngày 26/8.
Những trái bóng
Những trái bóng có thể tồn tại 3-5 năm và không bị tác động bởi ánh nắng mặt trời.
Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ hợp chất gây ung thư trong hồ bắt đầu giảm sau khi thả bóng.
Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ hợp chất gây ung thư trong hồ bắt đầu giảm sau khi thả bóng.

Việt Linh (theo Los Angeles Times)


Bài liên quan

Popular Posts