Saturday 26 June 2010

Thế giới của những chàng nghèo rớt

Khoác trên người bộ đồ bảnh bao, chàng công chức nghèo Li Zhirui lặng lẽ nhìn những biệt thự kiểu châu Âu, xe hơi sang trọng và khu mua sắm rực rỡ ánh đèn qua cửa kính xe buýt.

Một thanh niên đứng xem quảng cáo rao vặt nhà cho thuê ở  một khu dành cho người lương thấp tại Bắc Kinh. Ảnh: China Daily.
Một thanh niên đứng xem quảng cáo rao vặt nhà cho thuê ở một khu dành cho người lương thấp tại Bắc Kinh. Ảnh: China Daily.

Khi đến bến xe, anh cởi cà vạt và đi bộ tới chiếc xe máy cũ ọp ẹp đỗ gần đó. Li thậm chí còn không có bằng lái. Tuy nhiên, anh đang ở xa thành phố, không phải chạm trán cảnh sát giao thông hay sợ bị đồng nghiệp nhìn thấy và phán xét cuộc sống ngoài công sở của anh. 15 phút sau, anh trở về căn phòng rộng 8m2, tiền thuê là 500 tệ (74 USD) một tháng, bằng một phần tư lương.

Chàng thanh niên 27 tuổi, người gốc Hắc Long Giang, thành phố ở đông bắc Trung Quốc, đang dành dụm từng đồng để có thể mua một căn hộ ở thủ đô. Quyết tâm mua nhà càng trở nên thôi thúc hơn sau khi vị hôn thê của anh - sinh viên đại học năm thứ tư - chia tay anh tháng trước vì Li không chịu mua một chiếc ô tô cũ và nhẫn đính hôn cho cô.

"Cô ấy cứ phàn nàn chuyện tôi mang nước uống từ nhà và chỉ mua cà phê cho một mình cô ấy khi đi chơi", anh nói. "Lương tháng của tôi chỉ có 2.000 tệ. Anh xem tôi có thể mua được bao nhiêu cốc cà phê".

Câu chuyện của Li cũng giống như rất nhiều thanh niên thu nhập thấp tìm đến những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải để kiếm kế sinh nhai. Họ tạo thành “đàn kiến” của Trung Quốc, thuật ngữ được những nhà xã hội học nước này dùng để miêu tả nhóm những người nhập cư trẻ tuổi, có bằng cấp. Những người này tới thành phố lớn, hy vọng có cuộc sống tốt hơn song chỉ tìm được việc lương thấp và điều kiện sống thì tệ hại.

Theo một điều tra của Học viện khoa học xã hội, có hơn một triệu “chú kiến” như vậy sống ở những thành phố lớn của Trung Quốc. Điều tra cũng cho biết hơn 100.000 người tốt nghiệp đại học đang sống tại Bắc Kinh với thu nhập thấp. Một lượng tương tự cũng đang làm việc tại các thành phố như Quảng Châu, Tây An, Đồng Khánh, Thái Nguyên, Trịnh Châu và Nam Kinh.

Số người tốt nghiệp đại học tuổi từ 22 đến 29 ngày càng tăng kể từ khi Trung Quốc mở rộng hệ thống tuyển sinh đại học trong thập kỷ vừa qua. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, số sinh viên tốt nghiệp đã tăng vọt từ 1,07 triệu năm 2000 lên 6,11 triêu năm 2009.

Những ngôi nhà tồi tàn nơi “đàn kiến” cư ngụ thường bao gồm nhiều quán ăn nhỏ, café Internet, hiệu cắt tóc và phòng khám nằm sát nhau. Theo cuộc điều tra, những “chú kiến” không có công việc ổn định và lương trung bình dưới 2.000 tệ một tháng.

"Họ có mọi đặc điểm của loài kiến. Họ sống thành nhóm trong những khu vực chật chội, họ thông minh, chăm chỉ, nhưng vẫn vô danh và bị trả lương thấp", Lian Si, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại đại học Bắc Kinh, tác giả một cuốn sách về “đàn kiến”, cho biết.

Theo điều tra của Học viện khoa học xã hội, điều kiện sống khó khăn của “đàn kiến” đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng và chính phủ cần xây dựng những thành phố cấp 2 và cấp 3 để thu hút những sinh viên tốt nghiệp đại học từ những thành phố lớn.

Thanh Ngọc (theo China Daily)


Bài liên quan


No comments:

Post a Comment

Popular Posts