Saturday 2 October 2010

Phát hiện hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống


Các nhà thiên văn Mỹ hôm qua tuyên bố họ vừa tìm thấy một hành tinh gần bằng trái đất và có nhiều điều kiện thích hợp để sinh vật sống tồn tại.

Hình minh họa hành tinh
Hình minh họa hành tinh Gliese 581g và ngôi sao lùn đỏ Gliese 581 cách trái đất 20 năm ánh sáng. Ảnh: buffalonews.com.

AFP cho hay các nhà thiên văn của Đại học California và Viện Carnegie tìm thấy hành tinh nói trên trong quá trình theo dõi một ngôi sao lùn đỏ có tên Gliese 581. Họ đặt tên nó là Gliese 581g. Đây là hành tinh giống trái đất nhất mà con người từng tìm thấy. Hành tinh nằm trong vùng không gian thích hợp cho sự sống, nghĩa là không quá gần và cũng không quá xa ngôi sao riêng.

Nước và khí quyển là hai yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của sinh vật sống trên mọi hành tinh. Nếu hành tinh ở vị trí quá xa ngôi sao, nhiệt độ bề mặt của nó sẽ cực thấp khiến nước không thể tồn tại ở dạng lỏng mà biến thành băng. Trong trường hợp hành tinh ở vị trí quá gần ngôi sao, nhiệt độ bề mặt của nó sẽ lớn đến nỗi nước liên tục bốc hơi. Cả băng và hơi nước đều không thể nuôi dưỡng sự sống.

Gliese 581g có khối lượng gấp từ 3 tới 4 lần địa cầu song nó chỉ xoay quanh ngôi sao lùn đỏ trong gần 37 ngày. Theo giáo sư Steven Vogt - một nhà thiên văn của Đại học California – khối lượng của Gliese 581g cho thấy nó có thể là một hành tinh đá và lực hấp dẫn của nó đủ lớn để giữ không khí trên bề mặt.

Nếu Gliese 581g chứa đá giống trái đất, đường kính của nó sẽ gấp từ 1,2 tới 1,4 lần trái đất. Lực hút bề mặt của nó có thể tương đương hoặc lớn hơn một chút so với địa cầu nên con người có thể đứng thẳng và bước dễ dàng trên đó.

Các nhà khoa học tìm thấy Gliese 581g và một hành tinh nữa sau 11 năm theo dõi sao lùn đỏ Gliese 581. Ngôi sao này chỉ cách địa cầu 20 năm ánh sáng.

Đối với giới thiên văn, 11 năm là quãng thời gian ngắn ngủi và 20 năm ánh sáng (gần 188 triệu km) là khoảng cách gần. Mặt trời cách trái đất khoảng 8 phút rưỡi ánh sáng.

“Việc chúng tôi phát hiện Gliese 581g quá nhanh và vị trí gần trái đất của nó cho thấy những hành tinh như thế khá phổ biến trong vũ trụ”, Vogt phát biểu.

Một phía của Gliese 581g luôn hướng về ngôi sao lùn đỏ nên nhận ánh sáng liên tục. Phần còn lại chìm trong bóng tối vĩnh cửu.

Nếu con người đặt chân lên hành tinh đó, chúng ta sẽ thấy rằng, càng tới gần vùng tối vĩnh cửu thì nhiệt độ càng giảm. Tuy nhiên, vùng giáp ranh giữa phần sáng và phần tối của Gliese 581g mới là nơi mà sinh vật sống có thể tồn tại. Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ bề mặt của hành tinh có thể dao động từ mức âm (ở phía có bóng tối vĩnh cửu) tới mức khiến nước sôi (ở phía có ánh sáng).

Trước đó các nhà thiên văn Mỹ đã tìm thấy 4 hành tinh khác xung quanh ngôi sao Gliese 581. Đây là hệ hành tinh khá giống hệ Mặt Trời, bởi các hành tinh xoay quanh ngôi sao theo quỹ đạo gần tròn.

Minh Long-VnExpress

No comments:

Post a Comment

Popular Posts