Saturday 26 June 2010

“Hồi sinh” sau cái chết


(Dân trí) - Từ một người chết não được người nhà đồng ý hiến tạng, bệnh viện Việt Đức đã tiến hành lấy các tạng gan, 2 thận, 2 van tim và hai giác mạc để mang lại cuộc sống, ánh sáng cho 7 người bệnh đang chống trọi từng ngày với cái chết, với bóng tối.

Đó là một thành tựu trong ghép tạng nổi bật ngay trong tháng 5 vừa qua được PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức báo cáo tại buổi họp báo Công bố những thành tự ghép tạng của Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội hôm 25/6.

1 người hiến tạng, 7 người được cứu sống

Chỉ trong 14 ngày (8-22/5, từ 3 bệnh nhân cho tạng do chết não, BV Việt Đức đã tiến hành ghép tạng cho 6 người bị suy thận nặng, 2 người được ghép van tim, một người được ghép gan và 4 người được ghép giác mạc. Như vậy, từ 3 số phận kém may mắn không qua được bệnh trọng, đã có 9 người suy tạng nặng được cứu sống, 4 người đang sống trong bóng tối bỗng chốc lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Từ một người chết não hiến tạng, BV Việt Đức đã tiến hành 1 ca ghép gan, 2 ca ghép thận, 2 ca ghép van tim và 2 ca ghép giác mạc. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Y tế
thăm bệnh nhân ghép gan đầu tiên từ nguồn cho người chết não (Ảnh: H.Hải)

“Trong số 3 người hiến tạng này, hai trường hợp đầu tiên chúng tôi chỉ kịp lấy hai quả thận để ghép cho 4 bệnh nhân bị suy thận nặng. Còn đến trường hợp thứ 3, khi nhận tạng từ một nam thanh niên trẻ bị chết não, chúng tôi đã kịp chuẩn bị để vừa lấy được gan, vừa lấy được 2 quả thận, 2 van tim và 2 giác mạc. Rất tiếc trường hợp này chúng tôi không chuẩn bị kịp, nên đã không kịp tiến hành ghép tim”, TS Quyết nói.

Còn hôm 17/6, cũng từ nguồn hiến tạng của một người chết não, Viện quân y 103 đã lần đầu tiên ghép tim thành công trên người và thêm 2 trường hợp suy thận cũng được ghép thận từ nguồn hiến này. Đây là thành công lớn lao không chỉ với các chuyên gia của Viện, mà là thành tựu chung của cả ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.

Những thành công trong kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não không chỉ thể hiện thành quả của ngành y tế Việt Nam, mà quan trọng hơn, nó thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến tạng. Từ những người suy thận, suy gan không thể rời khỏi bệnh viện, nay được thay tạng mới, cuộc sống của họ mới trở về đúng nghĩa là cuộc sống, rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng. Một người không may từ giã cõi đời đã mang lại cuộc sống ý nghĩa cho những người bệnh trọng, hàng giờ, hàng phút luôn phải chiến đấu với bệnh tật để dành lại sự sống.

Cần lắm những tấm lòng

Theo PGS. TS Quyết, khi cái chết của người này lại là sự sống của người khác thì việc hiến tạng từ người chết não là hết sức nhân văn. Tính ra, mỗi năm ở bệnh viện Việt Đức có khoảng 1.200-1.300 người chết não không thể phục hồi do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Nếu thân nhân những người bệnh này tình nguyện hiến tạng cho y học, đây sẽ là nguồn tạng hiến mang lại cuộc sống quý giá cho những người bệnh đang thoi thóp từng ngày. Nhưng để thuyết phục được thân nhân của những người này hiến tạng không phải là điều đơn giản.
TS Quyết nhớ mãi ca bệnh mới đây, hai người bệnh cùng ruột thịt mà cũng không thể thuyết phục được cha mẹ đồng ý hiến thận của con trai cả để cứu sống cậu con út đang bị suy thận giai đoạn cuối. Trong nỗi đớn đau vì mất một người thân, anh em của bệnh nhân suy thận này hy vọng thận của người anh đã mất sẽ giúp họ không mất đi thêm người em đang bị suy thận, nhưng bố mẹ của bệnh nhân này nhất định không đồng ý cho tạng, chỉ với một suy nghĩ “chết toàn thây”.

Điều này cho thấy việc cứu sống người bệnh bằng ghép tạng vẫn là một bài toán khó giải quyết về nguồn hiến tạng. Dù chúng ta đã làm chủ được toàn bộ kỹ thuật ghép thận, ghép tim, ghép gan… nhưng nếu không có nguồn hiến thì sẽ không có cơ hội cho những người bệnh đang ngày đêm khắc khoải.

Để giải quyết tình trạng này, TS Nguyễn Quốc Triệu cho biết, sắp tới, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm điều phối ghép tạng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng.

Ông Triệu cho biết thêm, ngày nay, lấy mô tạng trở thành phổ biến trên thế giới và ngày càng nhiều người được ghép tạng. Ở Việt Nam, việc ghép tạng được chuẩn bị trong một quá trình dài nhưng mãi đến năm 1992 ca ghép thận đầu tiên mới được tiến hành. Đến nay, cả nước mới chỉ thực hiện được gần 300 trường hợp ghép thận, 15 trường hợp ghép gan, trong đó phần lớn là thực hiện từ người cho sống. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện được liên tục các ca ghép tạng từ nguồn hiến người chết não, cho thấy tay nghề, kỹ thuật của các bác sĩ Việt Nam đã lên một tầm cao mới.

Cùng quan điểm này, GS Phạm Gia Khánh cho rằng, dù ghép tạng ở Việt Nam chậm hơn thế giới khoảng nửa thế kỷ, sau các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng 20 năm, nhưng với những thành công về ghép gan, ghép tim trên người lấy từ nguồn hiến chết não, do các chuyên gia Việt Nam đảm nhiệm được cho thấy bước đột phát trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. “Từ việc làm chủ kỹ thuật ghép thận, gan trên người cho chết não, bước đầu tiến hành ghép tim thành công, trong tương lai, việc ghép các tạng khác như tụy, phổi, ruột… không còn là điều quá khó khăn”, GS Khánh nói.

Kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất đều đủ, vấn đề chỉ là thiếu nguồn tạng ghép do tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng. “Cứu một mạng người bằng xây cả trăm tòa bảo tháp”, một người chết não hiến tạng có thể mang lại cuộc sống cho nhiều người bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận… Khi có thêm một người mở lòng, thoát khỏi những tâm lý, tín ngưỡng để hiến tạng cho y học, họ đã cứu sống rất nhiều mạng người, những người bệnh trọng sống trong mỏi mòn vì bệnh tật lại có cơ hội hồi sinh từ chính nguồn tạng của những người đã về với đất mẹ... Họ đã không qua khỏi vì bệnh trọng, nhưng khi họ hiến các cơ quan nội tạng cho y học, thì dù đã nằm xuống, thì những lá gan, quả thận, giác mạc của họ vẫn còn sống mãi trong một con người khác.

Hồng Hải


Bài liên quan

No comments:

Post a Comment

Popular Posts