Saturday 26 June 2010

Sốt xuất huyết vào mùa ở miền Nam


Mỗi ngày có 10-15 bé sốt xuất huyết nhập viện, nhiều trẻ bị sốc nặng phải cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cảnh báo sốt xuất huyết đã vào mùa.

ghhjhjggh
Bệnh nhi điều trị sốt xuất tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương.

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, hiện tượng tăng ca bệnh xuất hiện từ sau những cơn mưa đầu mùa ở miền Nam. Mỗi ngày, khoa có từ 60 đến 70 trẻ điều trị nội trú, đặc biệt những ngày đầu tuần số ca bệnh lên đến 80 cháu.

Vài tuần trước mùa mưa, theo thống kê của bệnh viện, mỗi ngày chỉ có 20-40 trường hợp nằm viện điều trị do sốt xuất huyết.

Tình hình bệnh sốt xuất huyết chưa thật sự tăng đến mức bùng phát, tuy nhiên theo bác sĩ Liên, điều đáng quan tâm là rất nhiều trẻ khi đến bệnh viện đã lâm vào tình trạng bệnh nặng. Đơn cử ngày cao điểm có đến 20 trường hợp phải cấp cứu. Bác sĩ Liên nói: "Điều này cho thấy người lớn vẫn còn chủ quan vì nghĩ bệnh chưa vào mùa".

Trong số ca nhập viện mỗi ngày tại bệnh viện này, số trẻ sống tại TP HCM chiếm 60-70%, còn lại là bé ở các tỉnh thành lân cận.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cũng cho rằng, bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa. Cũng theo ông Thọ, số ca chắc chắn còn tăng cao vào đầu và giữa tháng 7 khi mưa rộng khắp Nam bộ.

"Để ngăn dịch bệnh bùng phát, TP HCM đã mở chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh", bác sĩ Thọ nói.

Theo bác sĩ Liên, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Cơ thể của trẻ chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với một týp virus mà bé từng mắc, các týp còn lại thì không. Chính vì vậy, bé bị mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc lại với týp khác.

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Aedes Agypti (muỗi vằn). Loại muỗi sống ngay trong nhà hoặc các vật chứa nước sạch như lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa.

Bệnh thường gây sốt từ 2 đến 7 ngày. Triệu chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết có thể làm trẻ tử vong là trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, vào thời điểm hết sốt và 24-48 giờ sau đó. Một số cha mẹ có thể nghĩ rằng trẻ hết sốt là hết bệnh. Tuy nhiên, đối với bệnh sốt xuất huyết, thời điểm hết sốt rất quan trọng.

Hơn 60% các trường hợp sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ở thể nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên phụ huynh phải nhận biết các dấu hiệu trở nặng để có thể đem cháu đến bệnh viện kịp thời.

"Cần đưa cháu đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu như hết sốt nhưng li bì, lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy khóc nhiều; lạnh tay chân; tiểu ít; đau bụng nhiều; ói nhiều; chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiêu phân đen, tiểu máu", bác sĩ Liên nói.

Những trường hợp nhẹ có thể chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol, liều 10-15 mg mỗi kg một lần và 3-4 lần trong ngày. Lau nước ấm (nhiệt độ như nước tắm em bé) để giúp trẻ hạ sốt. Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Lưu ý không dùng Aspirin để hạ sốt, cắt lễ, cạo gió, uống hoặc ăn những chất có màu đỏ, nâu, đen vì khi trẻ ói có thể nhầm với triệu chứng ói máu.

Thiên Chương-VnExpress

Bài liên quan

No comments:

Post a Comment

Popular Posts