Friday 25 June 2010

Lớp học đặc biệt của cô giáo 'xương thủy tinh'

Xoay một vòng thân mình để lấy cuốn sách rồi trườn lên chiếc xe lăn, Thảo dùng lực từ 2 bắp tay điều khiển xe từng vòng khó nhọc đến chỗ dạy học. 10 năm qua, cô giáo tật nguyền này đã đào tạo hơn 40 học sinh giỏi.

Hình ảnh Thảo nằm sấp người trên bàn, nắn nót từng nét chữ trên vở học trò từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân ấp Rằng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM. 24 tuổi, Huỳnh Thanh Thảo chỉ cao 65 cm, nặng 25 kg do mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ lúc chào đời và được mọi người yêu thương gọi là: "Cô Ba" của ấp Ràng.

"Cô Ba" từ lúc sinh ra đã chân tay mềm nhũn, không thể đi đứng. Chỉ cần một tác động nhẹ là để lại vết thương sưng tấy, đau đớn. Tưởng rằng cả cuộc đời cô gái sẽ miệt mài trên giường bệnh. Nhưng với ý chí, suốt 24 năm qua Thảo đã làm được những việc tưởng chừng không thể.

* Clip cô giáo Thảo dạy học

Gia đình Thảo cho biết, từ nhỏ cô chưa bao giờ từ bỏ ước mơ được học chữ. Lúc còn bé xíu, Thảo đòi mẹ mua quyển tập đọc lớp 1 và nhờ mẹ dạy 24 chữ cái. Chẳng mấy chốc, cô đã thuộc lòng. Người mẹ thấy con gái học nhanh, đã mừng rỡ và hướng cho con học nhiều thêm. Khi mẹ không rảnh thì đến chị gái thay phiên dạy học. "Nhiều lúc không có chị ở nhà, thấy ai đến chơi, bé Thảo cũng nằng nặc hỏi, từ này là gì? Chữ kia đọc thế nào? Đến khi biết mới thôi", bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ Thảo chia sẻ.

Khi đã biết đọc biết viết, Thảo bắt đầu thực hiện ước mơ dạy chữ cho các em nghèo trong ấp. Công việc không đơn giản bởi khó khăn lắm, cô mới đến được chỗ dạy, dùng bắp tay lăn chiếc xe đến lớp càng khó hơn. Ở lớp, Thảo không đứng được, mỗi khi cần lấy cuốn sách, cây bút, cô đều phải xoay xở bằng cách lăn vòng cả thân người.

ádas
Huỳnh Thanh Thảo đang dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo vùng quê

Thảo tâm sự: "Tôi thấy như mình nợ một cái gì đó trong cuộc sống này. Nhìn các em không được đến trường, tôi thấy chạnh lòng và muốn giúp đỡ các em. Sống là để cho đi, hạnh phúc sẽ được trả về".

Với Thảo, công việc dạy học là duyên phận. Năm 15 tuổi, Thảo được chị công nhân ở cạnh nhà, do làm về khuya, nhờ trông con hộ. Cô chỉ dẫn em bé học. Không ngờ, cuối năm bé đạt danh hiệu học sinh giỏi. Từ đó, ý định mở lớp dạy học bắt đầu nung nấu trong lòng cô gái trẻ. Thảo khoe, học sinh đầu tiên ấy tên là Võ Thị Diễm Trang, giờ đã là nữ sinh lớp 11 trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) với thành tích 11 năm liền học lực giỏi.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến nhờ Thảo trông con và dạy học. Dần dần, lớp học tại gia của cô giáo Thảo được hình thành. "Tôi thấy cô Ba dạy những em trong ấp tiến bộ rất nhiều nên tin tưởng nhờ cô hướng dẫn con mình. Ngoài học chữ, cô còn dạy mấy đứa nhỏ lòng thương yêu, sự lạc quan và niềm tin trong cuộc sống", chị Tô Thị Châu cho biết lý do từ nơi khác tìm đến lớp gửi con học.

Mỗi lớp học của Thảo có từ 4 đến 15 người. Thảo dạy các em 2 môn Tiếng Việt và Toán. 10 năm qua, lớp học đặc biệt này đã đào tạo hơn 40 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt là chưa bao giờ, cô giáo lấy của gia đình các em học sinh một đồng học phí. Phụ huynh tỏ lòng biết ơn cô giáo qua những món quà nhỏ, khi là trái ổi xanh, quả mít ngọt, có khi chỉ là một cây bút xinh xắn.

Ngoài dạy học, Thảo còn lập một thư viện mini trong nhà, cất giữ những cuốn sách, quyển truyện để các em học sinh học tập và giải trí sau những giờ nghe giảng. Nhờ hỗ trợ từ những người hảo tâm, thư viện của cô giáo Thảo đã có hơn 500 tờ báo, tạp chí và khoảng 400 đầu sách các loại.

Cô giáo Thảo còn chủ động liên hệ với các tổ chức từ thiện để lập ra quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Công tác xã hội cũng được lớp học của Thảo quan tâm. Tháng 7 tới, Thảo sẽ tổ chức chương trình Tri ân người đã khuất nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, vận động các em đi thắp hương, nhổ cỏ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.

Với sức lực vốn dĩ ít ỏi, cuộc sống của cô giáo Thảo cứ thế bình dị trôi. Gặp cô trên chiếc xe lăn khi dạy học, chưa bao giờ nụ cười thân thiện tắt đi trên gương mặt. Nó ánh lên tấm lòng của người con gái trẻ tật nguyền mà giàu yêu thương dành cho những đứa trẻ nghèo thôn quê. Trăn trở lớn nhất bây giờ của cô là khi sức của mình không thể tiếp tục được nữa, ai sẽ dạy cho những đứa trẻ nghèo này? "Có khi đang dạy, đau nhức tái phát. Tôi chợt sợ hãi, mình không còn ngồi dậy được nữa".

Nhờ những nỗ lực không ngừng mệt mỏi đó, ngày 14/6 vừa qua tại Đại hội thi đua yêu nước TP HCM lần 5, cô Huỳnh Thanh Thảo đã được tuyên dương là một trong những gương mặt tiêu biểu của thành phố.

Tá Lâm


Bài liên quan

No comments:

Post a Comment

Popular Posts